EnglishVietnamese

KIẾN THỨC TỰ ĐỘNG HÓA

Manh mún ứng dụng giao thông thông minh tại TP Hồ Chí Minh

 

Hình ảnh giao thông được camera lắp đặt trên đường ghi nhận truyền về trung tâm điều khiển tại TP.HCM.

Từng bước hiện đại hóa công tác quản lý giao thông

Hiện có khoảng 200 camera được lắp đặt tại nhiều vị trí, khu vực trên địa bàn TP.HCM nhằm quan sát tình hình giao thông. Song song với hệ thống camera, từ năm 2011, thành phố cũng triển khai lắp đặt hệ thống bảng thông tin giao thông điện tử, đến nay đã lắp đặt 17 bảng điện tử.

Tình hình giao thông được ghi nhận qua hệ thống camera hoặc thông tin từ người dân phản ánh về trung tâm điều khiển, sau đó thông tin hướng dẫn hoặc cảnh báo được đưa lên các bảng điện tử, giúp người đi đường nhận biết tránh đi vào khu vực kẹt xe hoặc lựa chọn hướng đi phù hợp. “Việc thí điểm cung cấp thông tin hướng dẫn giao thông qua các bảng điện tử thời gian qua khá hiệu quả. Năm 2014, thành phố sẽ đầu tư, lắp đặt thêm khoảng 10 bảng thông tin điện tử tại khu vực trung tâm”, ông Bùi Xuân Cường - Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết.

Ngoài ra, hệ thống thu phí không dừng cũng đang được triển khai tại nhiều trạm thu phí tại TP. HCM (trạm cầu Phú Mỹ, cầu Bình Triệu, xa lộ Hà Nội,...), mục đích giúp giảm ùn tắc do việc thu phí gây ra.  

Đáng quan tâm hơn, UBND TP. HCM cũng đã chấp thuận cho một đơn vị tư nhân nghiên cứu lắp đặt hệ thống kiểm soát và thu phí tự động ôtô vào trung tâm thành phố nhằm giảm ùn tắc giao thông do xe ô tô gây ra. Theo đó, những xe ô tô muốn vào khu vực trung tâm thành phố phải lắp đặt (hoặc thuê) một đầu đọc gắn trên xe (đầu đọc có kết nối hệ thống thanh toán với ngân hàng), khi xe đi qua các khu vực trung tâm hệ thống tự động nhận dạng và thu phí.

Cần sớm có quy hoạch tổng thể

Theo ông Nguyễn Văn Ích - Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ thuộc Bộ GTVT - việc ứng dụng ITS để kiểm soát và điều khiển giao thông một cách có hiệu quả ở Việt Nam hiện tại và trong tương lai đang thực sự là yêu cầu bức bách. Bởi thực tế, tại một số đô thị như TP.HCM, Hà Nội, mật độ lưu thông của các phương tiện dày đặc, hệ thống giao thông công cộng chưa phát triển, kết cấu hạ tầng chưa hoàn thiện và nhất là ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông chưa cao, trong khi việc quản lý và điều khiển giao thông vẫn còn thủ công, chưa hiệu quả.

Tuy việc ứng dụng giao thông thông minh để quản lý, điều hành, khai thác giao thông hiệu quả là vấn đề cấp bách tại TP.HCM, song Sở GTVT thừa nhận yếu điểm là đến nay thành phố vẫn chưa có một nghiên cứu tổng thể nào về hiện trạng và định hướng phát triển ITS tại đây.

Các giải pháp ứng dụng giao thông thông minh đã được triển khai trong thời gian vừa qua trên địa bàn thành phố vẫn còn lẻ tẻ, các đơn vị, sở ngành nghiên cứu thực hiện chưa theo một định hướng, quy hoạch chung nào. Chẳng hạn như hệ thống 200 camera được lắp đặt trên địa bàn thành phố hiện nay chủ yếu hoạt động độc lập, phục vụ cho nhu cầu riêng của từng ngành, đơn vị mình, chứ chưa có sự kế nối, tích hợp về một đầu mối quản lý đồng bộ.

Ông Bùi Xuân Cường - Phó GĐ Sở GTVT - cho rằng, vấn đề đặt ra cho thành phố là cần phải sớm có một chiến lược rõ ràng, cụ thể để có thể đạt được các mục tiêu quan trọng của ITS.

Hiện thành phố cũng đã có chủ trương xây dựng trung tâm điều khiển giao thông hiện đại, đây là một bộ phận đầu não của ITS trong tương lai. Mục tiêu của trung tâm này để tích hợp việc quản lý, điều khiển các đèn tín hiệu giao thông, hệ thống camera quan sát, bảng thông tin giao thông điện tử. Sắp tới, Sở GTVT cũng sẽ góp phần nghiên cứu, tham mưu cho UBND thành phố để lập một quy hoạch tổng thể về hiện trạng, định hướng ứng dụng ITS trên địa bàn thành phố.

Hiên Vân

Số 162 (8/2014)♦Tạp chí tự động hóa ngày nay